Doanh nhân Hứa Cao Trí: Tri thức là chìa khóa, nhưng không phải luôn "mài nhẵn ghế" trong mọi lớp học
“Nhận thức đúng sẽ có suy nghĩ đúng, từ đó có hành động đúng. Có hành động đúng thì mới có cơ hội thành công”. Đó là tâm niệm sống và kinh doanh của doanh nhân trẻ Hứa Cao Trí, Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người phải “luôn mài nhẵn ghế” trong mọi lớp học.
Đi để trở về
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã kéo dài đến năm 2010. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi sớm, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến tăng trưởng chậm. Đặc biệt, trong những năm sau đó, lĩnh vực nông nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt kéo dài. Hậu quả là, sức mua trong nước giảm sút, trong khi lạm phát có xu hướng tăng và có những diễn biến phức tạp.
Mặc dù ra đời trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng chỉ sau 6 năm, Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco (Công ty Anco), dưới sự dẫn dắt của vị CEO trẻ tuổi Hứa Cao Trí, đã trở thành một doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Doanh nhân Hứa Cao Trí, Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco
Là một người trẻ xây dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng, cái tên Hứa Cao Trí đã không còn xa lạ trong cộng đồng doanh nhân TP.HCM. Vào tháng 10/2016, anh là một trong những gương mặt trẻ nhất vinh dự nhận Giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM năm 2016.
Sau khi học thạc sĩ chuyên ngành marketing tại Australia, Cao Trí chọn hướng trở về quê hương lập nghiệp, chứ không ở lại Australia. Ban đầu, anh làm việc tại một công ty thực phẩm có hơn 50 năm tuổi, với mức lương 1.000 USD/tháng để hiểu phần nào “bí mật ngành”.
Đến cuối năm 2010, Hứa Cao Trí đã cùng một số đồng sự thành lập Công ty Anco, vốn điều lệ 40 tỷ đồng, với hai loại sản phẩm nổi bật là xúc xích tiệt trùng dinh dưỡng và bánh gạo.
Anh ví, một loại sản phẩm làm ra để “nuôi” 1.000 công nhân viên và loại còn lại để thỏa đam mê người yêu nông sản Việt.
Trước đó, khi chưa tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM, anh đã từng làm nhiều việc, từ nhân viên tiếp thị tại các chợ đến giám đốc bán hàng siêu thị và quản lý quảng bá hình ảnh, kinh doanh của một thương hiệu thời trang quốc tế.
Cơ hội thành công đến từ nhận thức đúng
Dòng sản phẩm xúc xích của Công ty Anco có 2 sản phẩm là XUXIFARM và xúc xích tiệt trùng dinh dưỡng Bé khỏe. Vài năm sau khi ra mắt các sản phẩm trên, doanh số bán hàng của Công ty Anco đã tăng tới 122%, một con số đáng mơ ước đối với bất cứ một doanh nghiệp non trẻ nào.
Là một tổng giám đốc, nhưng Hứa Cao Trí luôn tâm niệm phải tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng, học hỏi từ tất cả mọi người xung quanh, trong đó có nhân viên của mình. Anh cho rằng, khi khoảng cách “sếp - lính” được rút ngắn thì sự sẻ chia và nhận thức về các vấn đề nội tại của công ty sẽ dễ dàng hơn nhiều. Vì vậy, không hiếm khi thấy anh ngồi trò chuyện với nhân viên như những người bạn, hay trực tiếp động viên, đôn đốc công nhân làm việc một cách thân tình.
Đến cuối năm 2015, Công ty Anco cho ra mắt sản phẩm bánh gạo mang tên Tê Tê, với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt. Được biết, hiện Công ty đang chuẩn bị cho mắt một số loại bánh gạo khác.
Trên thực tế, để có được những thành công trên, Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco cũng đã phải vượt qua không ít trở ngại. Cao Trí cho rằng, không nên nhụt chí trước khó khăn. Anh luôn nghĩ, những trở ngại xung quanh mình đều là “những vấn đề phải giải quyết”.
Trong cuộc sống của mỗi người đều có những lúc thăng trầm khó đoán trước. Mỗi ngày mới diễn ra đều sẽ có vô vàn khó khăn, thách thức mà ta phải đối mặt. Quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận nó để tìm cách vượt qua, chứ không phải là nhụt chí.
“Thành công không bao giờ là một con đường trải đầy hoa hồng và chính những thử thách của cuộc sống sẽ tôi rèn bản lĩnh của mỗi cá nhân. Đó là cơ hội để mỗi người tự khám phá năng lực tiềm ẩn cũng như ý chí và nghị lực của mình”, Hứa Cao Trí nói.
Không chỉ vậy, doanh nhân trẻ này cho rằng, nhận thức là yếu tố then chốt quyết định thành công. “Nhận thức đúng sẽ có suy nghĩ đúng, từ đó sẽ có hành động đúng. Có hành động đúng thì mới có cơ hội thành công”, Hứa Cao Trí phân tích.
Như trường hợp của anh, xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghề y, nhưng từ nhỏ đã yêu thích “làm kinh doanh”, anh quyết tâm theo đuổi đam mê với chuyên ngành kinh tế. Thay vì chọn một công việc mang tính “an toàn” theo ý muốn của gia đình, Hứa Cao Trí hiểu rõ khả năng của bản thân, tự xác định mục tiêu và đưa ra quyết định cho cuộc đời mình.
Con đường đi đến thành công cũng không hề bằng phẳng, nhưng anh luôn lạc quan vào tương lai với tâm niệm “trong mọi khủng hoảng đều có cơ hội”. Những ngày đầu chập chững vào nghề, từ vị trí nhân viên bán hàng, rồi thăng tiến dần lên các cấp quản lý, không có công việc nào mà anh từ chối hay không tìm thấy mặt tích cực của nó. Khó khăn không làm anh khiếp sợ, không làm anh thay đổi phương hướng.
Có thể nói, những nhận thức đúng sẽ đưa đến những hành động đúng. Vậy, làm thế nào để có nhận thức đúng?
Đó là tri thức, một yếu tố tiên quyết, là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa thành công. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người phải “luôn mài nhẵn ghế” trong mọi lớp học. Hãy học kiến thức trong sách vở, nhưng cũng phải trau dồi kỹ năng mềm, thực hành và tự rút lấy kinh nghiệm bản thân. Học phải đi đôi với hành, đừng đốt cháy giai đoạn, vì cái gì cũng có trật tự của nó.
Trong đó, việc biết cách lắng nghe và đặt câu hỏi cũng là một kỹ năng. Để biết được một người có nhận thức đúng hay hiểu vấn đề đến mức độ nào, chỉ cần chú ý và phân tích cách họ đặt câu hỏi. Chỉ khi các câu hỏi đúng trọng tâm được đặt ra, thì các vấn đề mới được giải quyết và khi đó, tri thức của chúng ta được khai mở, nhận thức của con người trở nên sâu sắc hơn và đó là cách để một người thành công trong lĩnh vực sở trường của mình.
Anh khẳng định, “không có thành công nào kéo dài mãi” và giữ vững suy nghĩ đưa Công ty Anco trở thành tập đoàn lớn. Với anh, thị trường nội địa sẽ là chiếc phao an toàn cho doanh nghiệp nương tựa khi thị trường thế giới biến động, bất ổn.
Theo Báo Đầu tư